I. Tư duy phản biện là gì?
Đôi khi sự lựa chọn không dễ dàng, nó khiến bạn phải căng não suy nghĩ. Hiển nhiên, chẳng phải lúc nào bạn cũng đủ sáng suốt để nhìn nhận và đưa ra những quyết định đúng đắn.
Nhưng thật may mắn! Có một kỹ thuật tư duy đặc biệt có thể giúp bạn thay đổi điều này. Đó chính là tư duy phản biện (Critical Thinking).
Giải thích ngắn gọn: Tư duy phản biện là cách mà bạn trải qua các bước tổng hợp và đưa ra các giả thuyết, dùng sự phân tích logic, so sánh và lập luận nhằm khẳng định giả thuyết đó là đúng hay sai, bạn chọn giải pháp nào, cách khắc phục ra sao.
Một người tranh cãi giỏi chưa hẳn là một người phản biện tốt. Những người ưa tranh cãi thường hay phán xét sự việc dựa trên góc nhìn chủ quan từ cái tôi của họ hơn là nhìn nhận từ nhiều phía. Chính vì vậy mặc dù từ “phản biện” và “phán xét” có ý nghĩa tương đồng, song chúng lại mang 2 sắc thái khác nhau. “Phán xét” thường khiến người ta liên tưởng tới điều gì đó hơi tiêu cực. Còn “phản biện” mang hàm ý tích cực hơn, đánh giá sự vật sự việc nhằm mang tính xây dựng, góp ý, không khiêu khích, không chế giễu.
Đã bao lần bạn lâm vào tình cảnh như thế này:
Bạn vô tình nhìn thấy một mẩu quảng cáo rất hấp dẫn về sản phẩm A, nó cũng đúng là cái bạn đang cần bây giờ. Bạn bị mê hoặc bởi những lời hứa hẹn về chất lượng của sản phẩm trong đoạn quảng cáo ấy. Bạn tin rằng nó có vẻ thực sự tốt. Vậy là bạn vội bỏ qua việc phân tích này kia và mua ngay với hy vọng những gì mình nhận được sẽ đúng như mong đợi. Nhưng sau vài ngày sử dụng, bạn nhận ra rằng mình đã thật ngây thơ khi rước về một thứ “của nợ” đã vô dụng lại còn tốn tiền.
Tình huống trên kết thúc, chúng ta rút ra được bài học gì?
⇒ Khi nắm bắt thông tin một cách mơ hồ và đánh giá một cách thiếu nghiêm túc bạn sẽ trở thành “con mồi” để các nhà kinh doanh kiếm lời.
Đây là thời đại của CÔNG NGHỆ và bùng nổ TIN TỨC. Con người có thể dễ dàng tiếp cận hàng ngàn thông tin trên toàn cầu từ mọi phương tiện truyền thông. Không gian và thời gian dường như không còn là yếu tố có sức ảnh hưởng quá lớn đủ để cản trở bạn tiếp cận với các thông tin ấy. Thế nhưng, quá nhiều tin tức thường khiến chúng ta bối rối và choáng ngợp. Nếu thiếu sự phân tích đúng đắn chúng ta sẽ dễ dàng bị “dắt mũi” bởi một luồng thông tin sai lệch.
Vậy thử hỏi liệu tư duy phản biện có quan trọng không? Có cần thiết không? – Câu trả lời chắc chắn là CÓ!
Mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá, mà đôi khi đó là cái giá rất đắt! Nó ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn, uy tín của bạn, tiền của bạn, hoặc là cả là những mối quan hệ xung quanh bạn.
Có được tư duy phản biện không đảm bảo chắc chắn cho sự thành công trong cuộc đời của bạn, song nó cho thấy bạn là một người có chính kiến, biết bảo vệ quan điểm của mình, bạn không hề ngây thơ và dễ bị lừa lọc.
Dù bạn là ai, bạn ở độ tuổi nào, bạn làm trong ngành nghề gì bạn cũng cần phải có lối tư duy này. Tư duy phản biện như một loại kim chỉ nam. Nếu thiếu nó sẽ giống như việc bạn đi trên một con đường nhưng lại bị bịt mắt. Bạn sẽ đến một nơi nào đó, nhưng đó không phải là nơi bạn muốn đến nhất.
Tư duy phản biện của chúng ta được chia thành bốn giai đoạn sau:
(1) Giai đoạn đầu tiên: có thể trả lời các câu hỏi, có thể bày tỏ sự đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng không thể giải thích đầy đủ lý do. Về mặt diễn đạt, không thể viết một câu hoàn chỉnh.
(2) Giai đoạn thứ hai: bạn đã đưa ra được một vài nhận định, có thể diễn đạt bằng lời nói và bằng văn bản với các câu hoàn chỉnh.
(3) Giai đoạn thứ ba: trên cơ sở của giai đoạn thứ hai, không chỉ có thể đưa ra lý do, mà còn đưa ra các ví dụ và bằng chứng cụ thể để đặt câu hỏi có ý nghĩa.
(4) Giai đoạn thứ tư: dựa trên giai đoạn thứ ba, bạn có thể thực hiện tư duy phản biện trong các tình huống khác nhau và phát triển thói quen suy nghĩ như vậy.
Đây là bước đầu tiên để rèn luyện tư duy phản biện của bạn. Đó chính là việc đặt ra những câu hỏi.
Trước mọi vấn đề trong cuộc sống, não bộ con người luôn tò mò, sự tò mò thể hiện bằng việc đưa ra hàng loạt các câu hỏi. Song, đa số mọi người chỉ xoay quanh các câu hỏi “Tại sao? Tại sao?”, mà quên đi những phần căn bản khác.
Vì vậy, xây dựng lên hệ thống câu hỏi bắt đầu bằng: WHAT – WHEN – WHERE – WHY- WHO – HOW chính là việc áp dụng phương pháp 5W1H trong tư duy phản biện.
Việc đặt câu hỏi có lẽ chưa hẳn giúp ta có ngay được đáp án, nhưng chắc chắn nó sẽ cung cấp cho chúng ta những gạch đầu dòng tổng quát nhất để chuẩn bị cho việc tìm kiếm thông tin.
Phương pháp 5W1H được áp dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của đời sống khi bất kì một bài toán một tình huống nào đó phát sinh. 5W1H là một công cụ giúp hỗ trợ phân tích một vấn đề ra theo các hướng: “Khái niệm, Người sử dụng, Sử dụng khi nào, Sử dụng ở đâu, Tại sao phải sử dụng và Hướng dẫn cách sử dụng” nhằm mục đích làm rõ ràng bài toán, phân tích 1 vấn đề, trình bày 1 ý tưởng, tóm tắt 1 sự kiện”
Bước thu thập thông tin là tiền đề quan trọng cho những lập luận sau này. Bạn hãy coi mình là những thám tử, những nhà báo phóng viên đang tác nghiệp. Vận dụng đủ 5 giác quan và mọi phương tiện mình có để tìm kiếm thứ mình cần.
Sau khi đã có những mảnh thông tin rời rạc, nhiệm vụ tiếp theo là sắp xếp, phân loại và xâu chuỗi chúng thành một mạch có liên kết rõ ràng. Đó là cách thức mà bạn áp dụng tư duy logic đưa ra được cái nhìn tổng quát và một vài giả định ở bước ban đầu.
Hãy tạo thói quen dùng trực giác của mình để tìm hiểu những điều cần nghi vấn trong các thông tin nhận được. Nếu linh tính của bạn cảm thấy chưa thỏa mãn với vời giải thích, hãy tìm hiểu thêm chứng cứ. Nếu bạn không thể đặt câu hỏi về một sự thật nào đó, hãy đọc về nó hoặc tự kiểm chứng bản thân. Bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được đâu là những thứ cần tìm hiểu thêm và đâu là những thứ có thể xem là chính xác dựa trên đánh giá của bạn.
Sự vật sự việc nào cũng chứa đựng nhiều mặt khác nhau. Nhận thức của con người thường chủ quan chỉ nhìn vào cái bộ phận mà chưa bao quát được trọn vẹn vấn đề. Tư duy phản biện phát triển đến đỉnh điểm khi bạn đối chiếu giả định của mình với những người khác. Điều chỉnh góc nhìn của bạn bằng việc so sánh với quan điểm của người khác, có lẽ truyện “Thầy bói xem voi” sẽ giúp bạn phần nào hiểu thêm:
Chuyện xảy ra trong một buổi chợ chiều vắng khách, các ông thầy bói mù cùng nhau góp tiền để được chạm vào con voi cho thỏa trí tò mò của mình. Mỗi người chỉ sờ một bộ phận rồi vội vàng phán đoán. Thầy thì bảo con voi sun sun như con đỉa, thầy khác lại chen vào nó dài như cái đòn càn…Điều hay ở đây là các thầy chỉ mới chỉ chạm vào một bộ phận của con voi chứ chưa ai chịu sờ cả mình mẩy xem nó to lớn ra sao, hình hài thế nào. Ai cũng vội lên tiếng ngay cho rằng mình đúng, họ tranh cãi hơn thua và kết thúc bằng việc đánh nhau toạc đầu, máu chảy.
Chúng ta thường để bản thân mình sa vào cái tôi giống như những ông thầy bói nói trên. Bạn cho rằng quan điểm của mình đúng, nhưng có thể người khác lại không nghĩ như vậy.
“Hãy suy nghĩ về những điều người khác nói trước khi nói ra những điều mình nghĩ.” Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người là một trong những thái độ ứng xử văn minh và khôn ngoan. Cần biết tìm hiểu nguyên do tại sao họ lại nhìn nhận như vậy trong khi mình lại nghĩ như thế này là một trong những cách thức giải quyết vấn đề toàn diện nhất.
Một quá trình tư duy phản biện thành công không chỉ dừng lại ở bước bạn kết luận vấn đề chính xác. Đôi khi bạn còn cần phải tìm ra giải pháp để thỏa mãn vấn đề ấy. Vì vậy như câu chuyện thầy bói xem voi, sức lực của một người là có hạn – chẳng thể cân hết cả bản đồ. Vậy tại sao không cùng chung vai sát cánh, tận dụng thế mạnh của nhau, cùng kết hợp các ý tưởng để đem những mảnh ghép ấy lắp ráp “con voi của chung” thành khối hình hoàn chỉnh.
Nguồn tin: Công ty TNHH Thương Mại Quốc Tế Tiến Thành.:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn