Văn Phòng Phẩm, Máy Văn Phòng Tiến Thành - CÔNG TY TNHH TM QUỐC TẾ TIẾN THÀNH

https://tienthanhltd.com.vn


Rèn luyện tư duy sáng tạo như thế nào?

" Nhiều người tin rằng, sáng tạo là bẩm sinh. Nhưng sáng tạo thật ra chỉ là một kỹ năng, mà kỹ năng thì hoàn toàn có thể rèn luyện được. "
Vai trò của sự sáng tạo thì chẳng cần phải bàn cãi nhiều. Điều quan trọng ở đây là chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy kỹ năng tư duy sáng tạo của bản thân?
ren luyen tu duy sang tao 1

1. Ngừng tin vào tư duy NÃO PHẢI và NÃO TRÁI

Từ lâu, người ta đã nói rằng những người “thuận bán cầu não phải” thường có khuynh hướng tư duy sáng tạo và nghệ thuật, trong khi những người “thuận bán cầu não trái” lại là kiểu người ưa tư duy logic và tuân theo trường phái khoa học. Tuy nhiên, đừng để những quan điểm đó nhấn chìm sự sáng tạo bên trong con người của bạn.

Một nghiên cứu vào năm 2013, đã khảo sát một nhóm người bằng cách quét não để kiểm tra hoạt động nhận thức ở cả hai bên bán cầu não, kết quả nhân được không có sự khác biệt nào về khả năng sáng tạo hay phân tích logic ở cả hai nhóm người này.

 Ngày nay, thật dễ dàng để chúng ta tìm kiếm lời giải đáp cho bất cứ điều gì mà mình chưa biết chỉ bằng cách sử dụng Google. Nhưng điều này vô tình đã khiến bạn trở nên thụ động hơn trong việc tư duy. Những câu trả lời có sẵn đã ngăn cản bạn tự mình tìm tòi và nghiên cứu những điều mới mẻ. Nếu bạn muốn sáng tạo, bạn phải phát triển và mở rộng kiến ​​thức của mình.

2. Đâu là nơi bạn có thể tìm kiếm ý tưởng?

Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Chúng ta có thể tích lũy các ý tưởng hay ho ở khắp mọi nơi.

Không có quy tắc cứng nhắc nào quyết định về thời gian hay địa điểm cụ thể để bạn trở nên sáng tạo. Nhiều người cảm thấy thoải mái để suy nghĩ về những ý tưởng mới vào buổi sáng trong căn phòng tĩnh lặng, nhưng cũng có những người thích tập trung suy nghĩ các ý tưởng khi ngồi trên xe bus với chút nhạc du dương.

Ý tưởng không phải lúc nào cũng có sẵn, đừng trông đợi nó sẽ tự đến bởi vậy cần chủ động tìm kiếm nguồn cảm hứng, dù đi tới bất cứ nơi đâu cũng không ngừng suy nghĩ và rèn luyện thói quen liên tưởng.

Biết đâu sự sáng tạo có thể “nảy số” trong lúc bạn đang mải miết “đi dạo” trên Facebook hay khi nói chuyện với trẻ con, những ý tưởng cũng có thể đến trong lúc xem phim hay khi đang hóng chuyện thiên hạ. Và cuối cùng, đừng quên lưu giữ các ý tưởng tuyệt vời đó vào trong một quyển sổ hay chiếc điện thoại của bạn để sử dụng khi cần.

3. Vượt qua những điều quen thuộc để SÁNG TẠO

Sáng tạo đòi hỏi sự can đảm để buông bỏ những thứ theo lối mòn. – theo Erich Fromm

Tư duy sáng tạo luôn gắn liền với sự đổi mới. Nếu để bản thân bị mắc kẹt trong một mớ ý tưởng cũ kỹ và những điều quen thuộc, bạn sẽ vô tình che lấp đi phần sáng tạo bên trong con người mình. Sáng tạo cần thay đổi, mạo hiểm và linh hoạt hơn.

Chẳng hạn, bạn đang cần một ý tưởng hấp dẫn cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm mới của công ty.

» Vui lòng liệt kê ít nhất 10 ý tưởng bạn nghĩ ra, nếu bạn có thể viết nhiều hơn nữa thì số lượng là không giới hạn.

» Bây giờ, hãy tập trung và tự hỏi mình:

  • Liệu trong số đó đã có bao nhiêu ý tưởng mà bạn thấy quen thuộc (đây thường là những gì mà người khác đã sử dụng).
  • Có bao nhiêu ý tưởng mà bạn thực sự ấn tượng (có thể đây mới chính là những gì của bạn).

 Những ý tưởng cuối cùng, phần mà bạn phải mất nhiều thời gian suy nghĩ nhất chính là những ý tưởng mà bạn sáng tạo ra mà ít có khả năng sao chép từ người khác. Hãy thử mang nó tới bàn làm việc của sếp, biết đâu sự sáng tạo của bạn sẽ nhận được những thành công ngoài mong đợi.

4. Đối mặt với thất bại và rủi ro

bong den
 

Câu chuyện quen thuộc về nhà bác học nổi tiếng Thomas Edison – người mang tới ánh sáng cho nhân loại với việc phát minh ra bóng đèn dây tóc sau 10.000 lần thất bại. Bài học mà ông để lại về sự sáng tạo đó là vượt qua thất bại để đổi mới, thất bại là những cơ hội để học hỏi chứ không phải là việc dừng lại và chấp nhận. 

Sáng tạo là quá trình, không phải một cột mốc nhất định. Những ý tưởng ban đầu thường là những bản nháp, không phải ý tưởng nào cũng vẽ ra thành công ngay tức khắc. Vì vậy đừng lo lắng và nản lòng!

Nỗi sợ khi phải đối diện với sai lầm hay thất bại có thể làm tê liệt bước sáng tạo tiếp theo của bạn. Bất cứ khi nào bạn thấy mình có những cảm xúc như vậy, hãy nhắc nhở bản thân rằng những sai lầm chỉ là một phần của con đường sáng tạo. Mặc dù đôi khi bạn có thể vấp ngã trên hành trình ấy, nhưng cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo không quá khó khăn, những lời khuyên ở trên sẽ là chìa khóa giúp bạn rèn luyện kỹ năng này. THẾ NHƯNG, đừng bao giờ lười biếng! Đến những người được coi là sáng tạo nhất trên thế giới này, khi được chia sẻ bí quyết về sự thành công của mình, họ cũng chỉ thừa nhận 10% sự sáng tạo là do tài năng sẵn có còn 90% sáng tạo phụ thuộc vào sự chăm chỉ và không ngừng học hỏi.

Nguồn tin: Công ty TNHH Thương Mại Quốc Tế Tiến Thành.:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây